Khôi phục nghề truyền thống của người Cơ Tu
Tiểu dự án “Sản xuất bền vững và tiêu thụ có trách nhiệm sản phẩm từ cây dược liệu và thủ công mỹ nghệ để phát triển sinh kế và giảm nạn săn bắt động vật hoang dã nhằm tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Tiểu dự án đã giúp các thành viên của HTX khôi phục nghề dệt zèng và nghề mây tre đan truyền thống của dân tộc Cơ Tu.
Tài trợ bởi: Dự án Trường Sơn Xanh của USAID
Người Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế có hai nghề truyền thống là đan lát và dệt zèng (thổ cẩm).
Trước đây, người Cơ Tu thường sử dụng trang phục bằng vải thổ cẩm trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, khi cơn lốc thị trường ào đến với những sản phẩm may mặc công nghiệp, họ dần quên đi những bộ khố, váy hoa ngày xưa của cha mẹ mình.
Nghề truyền thống cùng với các giá trị văn hóa truyền thống đang mất dần. Vậy nên, mục tiêu chính của HTX là bảo vệ và khuyến khích sản xuất các sản phẩm truyền thống đặc trưng, từ đó khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ xưa – những giá trị quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tộc người. Đây không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là vấn đề môi trường.
Những giá trị văn hóa này cần phải được trao truyền cho các thế hệ sau của người Cơ Tu. Cư dân thôn Dỗi là cầu nối giữa một lối sống đơn giản trong quá khứ và một phong cách sống hài hòa của tương lai. Họ không khai thác rừng chỉ để kiếm lợi nhuận hấp dẫn mà sống hòa thuận cùng động – thực vật, với ý thức rằng tất cả chúng ta đều là những phần quan trọng của đa dạng sinh học, điều đã giúp duy trì hệ sinh thái kỳ diệu và cho ta sự sống.
Với mục tiêu hỗ trợ cho cư dân địa phương phục hồi nghề truyền thống, từ đó sản xuất sản phẩm bền vững và bán ra được thị trường, VIRI đã thảo luận với chính quyền địa phương, nhất là các bậc già làng và các đại diện hộ gia đình để hoạch định kế hoạch thực hiện mục tiêu này.
Tiểu dự án đã giúp các thành viên của HTX khôi phục nghề dệt zèng và nghề mây tre đan truyền thống của dân tộc Cơ Tu. Tổ đan lát có 30 thành viên với 25 thành viên nam giới và 5 thành viên nữ giới. Tổ dệt zèng và may sản phẩm thổ cẩm có 30 thành viên với 100% là nữ giới. Bà con rất phấn khởi được tham gia các khóa đào tạo nâng cao tay nghề, đồng thời phát triển các tiêu chuẩn sản phẩm và thiết kế mây tre đan và thổ cẩm. Số lượng thành viên ban đầu là 13 người, chỉ sau một năm hoạt động HTX Du lịch Cộng đồng thôn Dỗi đã thu hút tổng cộng 90 người dân địa phương tham gia. HTX có 5 tổ, bao gồm: tổ văn nghệ, tổ ẩm thực, tổ nông sản, tổ đan lát, và tổ dệt zèng. Hiện nay nguồn thu của HTX chủ yếu từ các tour du lịch trải nghiệm độc đáo như thưởng thức ẩm thực địa phương, tìm hiểu các phương pháp sản xuất và mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng. Các hoạt động này đã cải thiện đáng kể sinh kế và góp phần tạo ra niềm vui cho cộng đồng địa phương, đồng thời, giúp họ có thêm một lựa chọn thay thế cho việc khai thác tài nguyên rừng để kiếm sống.