Làng nghề kim hoàn Kế Môn
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km về phía Đông Bắc là làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền. Nơi đây được xem như cái nôi nghề kim hoàn Việt Nam.
Theo sử sách xưa còn ghi lại thì làng Kế Môn được thành lập vào thế kỉ 14 dưới đời vua Trần Anh Tông, làng Kế Môn nằm bên phá Tam Giang lại có đất nông nghiệp nên cư dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt cá.
Năm 1789, sau khi đại phá quân Thanh vua Quang Trung đặt kinh đô tại Phú Xuân – Huế và ra lời kêu gọi người tài giúp vua quản lý đất nước. Ông Cao Đình Độ là người Thanh Hóa vào Huế xin làm nghề Kim hoàn khi đi qua sông Ô Lâu thì cả gia đình bị nạn, người dân Kế Môn thấy thế cứu giúp nên mới thoát chết. Để tưởng nhớ công ơn cứu mạng của người dân làng kế Môn nên sau khi vào cung ông Độ đã trở về và dạy nghề cho người dân ở đây.
Từ đó đến nay đã được hơn 200 năm, cũng từ đó làng Kế Môn trở thành cái nôi của nghề kim hoàn của xứ đàng trong. Các sản phẩm kim hoàn ở đây đã đáp ứng được nhu cầu về trang sức, trang trí của cư dân và quan lại ở chốn kinh thành Huế ngay từ cuối thế kỷ XVIII do nhiều người thợ kim hoàn từ phương Bắc vào, tiêu biểu là ông Cao Đình Độ quê ở Thanh Hóa đã đến định cư ở làng Kế Môn hành nghề kim hoàn và mở lớp truyền dạy cho các thế hệ con cháu. Sản phẩm kim hoàn ở Kế Môn nổi tiếng có chất lượng tốt so với nhiều nơi khác với kỹ thuật tay nghề tinh xảo và chạm khắc cầu kỳ được làm ra bởi những người thợ có kinh nghiệm, khéo tay và giàu khiếu thẩm mỹ sáng tạo, thể hiện rõ nhất là trên các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng hoặc bạc.
Hai trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi và có mặt, trước tiên là ở kinh thành Huế (để làm trong Cơ vệ Ngân Tượng của triều đình), sau đó là ở hầu hết các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước, và sau này là vươn ra thế giới, .nghề kim hoàn trở thành nghề kiếm sống của người dân Kế Môn, nghề làm vàng từ đây mà tỏa ra khắp cả nước.
Nguồn: http://nguoilamnghe.vn